Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

TỪ SÔNG NILE NGHĨ VỀ SÔNG HƯƠNG

Người ta nói, sông Nile đã cùng dân tộc Ai Cập làm nên văn minh nhân loại; sông Nile đã tưới cho nông nghiệp Ai Cập trù phú; sông Nile đã giúp cho hoang mạc Sahara “hoang” mà không “tàn”; sông Nile là tuyến giao thông thủy huyết mạch của Ai Cập. Bây giờ người ta nói thêm: Sông Nile đã tạo việc làm cho nhiều con người ở vùng đất khô cằn nắng nóng nhất hành tinh và, sông Nile đã thu về tiền tỷ từ dịch vụ tổ chức cho du khách lênh đênh trên sóng và nước, gió và mây, trăng và sao bằng thuyền và du thuyền.

 

Bản đồ sông Nile chảy qua 11 quốc gia

Từ sông Nile

Nile là tên con sông dài nhất (nhì) thế giới 6.853 km chảy qua 11 quốc gia Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan và Ai Cập. Riêng đoạn chảy qua Ai Cập đo được 1.610,9 km và nở bung ra như hoa sen tạo thành vùng châu thổ sông Nile màu mỡ rồi đổ ra biển Địa Trung Hải.

Khi chưa trải nghiệm tour du thuyền trên sông Nile, khách nghĩ đơn giản rằng, ngành du lịch Ai Cập chọn đoạn từ Aswan đến Luxor (225km) là vì hai thành phố này có nhiều di tích cổ xưa nổi tiếng và vì người dân tại chỗ biết tổ chức các dịch vụ hỗ trợ giúp cho tour du lịch trên sông Nile thêm phong phú, khác biệt và hấp dẫn.

Sau khi theo du thuyền lênh đênh trên sông Nile, khách mới thấu hiểu rằng, Aswan và Luxor được mệnh danh là nơi “khô cằn nắng nóng nhất hành tinh”. Lượng mưa ở hai thành phố này chưa tới 1 mm/năm, độ ẩm chỉ từ 11-31%. Nhiệt độ có ngày cao tới 510C (1973) và có đêm rớt xuống -20C (1989). Khách chạnh lòng tự hỏi, nếu ngành du lịch Ai Cập không tổ chức thêm tour du lịch trên sông kéo du khách về Aswan và Luxor thì, cư dân hai thành phố này biết làm gì để sống?

Bản đồ Ai Cập

 Khách bay từ nước mình tới Cairo rồi từ Cairo bay thêm 1 tiếng để đến Aswan, thành phố cực Nam của Ai Cập, để bắt đầu tour 3 ngày 3 đêm du lịch trên sông Nile bằng du thuyền. Quả là, dù đi bộ ngộ hơn đi xe nhưng cũng không thể lấy le bằng du lịch trên sông nước. Khi trên bờ nắng nóng, trong du thuyền gió thổi, sóng vỗ; mình mát mẻ. Khi trên bờ lạnh tê tái, trong du thuyền, trên tay có ly trà nóng, dĩa bánh ngọt, với nhiều trái cây tươi, ngắm cảnh qua vách kiếng trong suốt; mình ấm áp. Nhưng nếu dịch vụ du lịch trên sông Nile chỉ quanh quẩn chừng đó thì khách đã không bỏ công bay qua Ai Cập.

Sau thủ tục để trở thành một thành viên trên du thuyền, khách thưởng thức buổi trưa với vài chục món ăn tự chọn theo chuẩn quốc tế. Khách về phòng nghỉ trưa, phòng được trang bị nội thất như một khách sạn 5 sao trên bờ. Và dù du thuyền đang chạy, khách vẫn không nghe tiếng ồn của máy. Đến khoảng 15g trên boong thuyền có bữa trà chiều với bánh ngọt và trái cây. Lúc này ai không sợ gió thì có thể vừa tắm hồ bơi vừa thưởng trà. Ai thích vận động thì cứ đổ mồi hôi với các máy thể dục; nếu mệt thì trà bánh đã có sẵn.

Sảnh đón trên du thuyền Crown Empress – sông Nile

 Đúng 18g, tất cả 270 du khách đủ mọi quốc tịch trên du thuyền đã tập trung tại sảnh đón để cùng lên bờ đi tham quan đền Kom Ombo xây dựng dưới triều đại Ptolemaic. Đoạn đường từ bến du thuyền đến ngôi đền chỉ khoảng 1 km. Buổi tối trời se lạnh, được đi bộ ngắm phố thiệt là thú vị. Khách quan sát hai bên lề đường thấy hàng trăm tấm nylon được trải dưới đất bày bán sản phẩm địa phương và thêm hàng trăm người cầm hàng lưu niệm trên tay bán dạo. Giá một sản phẩm chỉ từ 1 USD đến 5 USD. Lúc đi tham quan ngôi đền ai cũng ngại vướng cho nên chỉ ngắm nghía, đến lúc về thì cảnh mua bán tưng bừng suốt cả tuyến đường đi bộ. Người mua thì vừa ý với những món hàng vừa độc vừa rẻ. Người bán thì cười tươi rói vì bán được nhiều hàng. Buổi ăn tối trên tàu tự nhiên nhiều du khách bỗng hóa người Ai Cập. Thì ra là những sản phẩm địa phương vừa mua trên phố đã được du khách sử dụng tức thì. Người này quấn khăn kiểu Ai Cập. Người kia đội mũ kết hạt kim sa lấp lánh giống nữ thần. Người nọ mặc áo dài chấm gót như hoàng gia Ai Cập. Đó là chưa kể những người đeo trang sức trên cổ, trên tai, trên nhiều ngón tay cho giống Pharaon… Người này nhìn người kia cười hể hả. Nhờ vậy mà sự xa lạ giữa người với người lúc mới lên du thuyền giờ đây đã hóa ra gần gũi.

Theo chương trình, sáng hôm nay khách được tham quan đền Edfu, thờ thần Horus. Mới 5g sáng cả du thuyền được đánh thức để dùng chút trà, bánh cho ấm bụng trước khi rời tàu. Bước lên bờ khách quên cả giá lạnh bởi choáng váng trước một hàng xe ngựa dài tít tắp dọc hai bên đường. Xe ngựa được thiết kế rất đẹp, mỗi xe chở 3 người, tính luôn người cưỡi. Tất cả 270 du khách trên du thuyền được xe ngựa đưa đến đền Edfu, một đoạn đường khoảng 10 km. Ngồi trên xe ngựa, khách ngắm phố xá mờ trong sương sớm, tai nghe tiếng vó ngựa của hàng trăm chiếc xe rầm rập trên đường; một trải nghiệm sâu sắc. Nhìn sự bận rộn ẩn chứa niềm tự hào của người cưỡi xe ngựa, khách hiểu thế nào là dịch vụ hỗ trợ du lịch; hiểu thế nào là tạo việc làm và tăng thu nhập cho người địa phương.

Cứ như vậy, khách ăn ba bữa và ngủ qua đêm trên du thuyền, xen kẽ giữa các bữa ăn là lên bờ tham quan các di tích nằm dọc hai bờ sông Nile. Mỗi điểm tham quan của du khách trên bờ đều sử dụng phương tiện trung chuyển của người địa phương, khi bằng ghe nhỏ, khi bằng ô tô, khi xe ngựa. Trước cổng vào và cổng ra của từng điểm tham quan đều có hàng trăm gian hàng bán sản phẩm địa phương và hàng trăm người cầm hàng lưu niệm bán dạo. Đặc biệt, chỉ có nam giới bán hàng, không có phụ nữ! Và du khách nào đã dừng lại hỏi giá thì không thể về tay không vì sự bán hàng giỏi giang của người bản địa và vì ngành du lịch đã “bỏ nhỏ” với dân địa phương, rằng: “bán rẻ và bán nhiều, hơn bán mắc mà bán ít”.

Sông Nile và hai bờ sông Nile

Dọc trên tuyến sông Nile đoạn từ Aswan đến Luxor 225km có khoảng 200 du thuyền, mỗi du thuyền có 128 phòng sức chứa 270 du khách. Trong du thuyền có sảnh đón khách, nhà hàng, nhiều quầy bán hàng lưu niệm, hồ bơi và phòng trà. Mỗi tối trước khi về phòng nghỉ, du khách quây quần tại phòng trà để thưởng thức những điệu múa dân tộc, bài ca địa phương; ai thích thì cùng múa, cùng hát với người bản địa.

Nếu tính luôn du thuyền và thuyền thì hơn 1.000 chiếc xuôi ngược trên tuyến sông này phục vụ cho khách du lịch. Một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Aswan và Luxor; một nguồn thu vô cùng lớn từ chuỗi dịch dụ hỗ trợ của địa phương và, một khối lượng công việc vô cùng nhiều cho người dân hai thành phố nắng nóng khô cằn nhất hành tinh.

… Nghĩ về sông Hương

Bút ký “Ai đặt tên cho một dòng sông” tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tả về thượng nguồn sông Hương: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa Đỗ Quyên rừng…”. Và rằng, sông Hương “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím…”

Sông Hương từ ngã ba Bằng Lãng đổ ra cửa biển Thuận An

Sông Hương có 2 nguồn Tả Trạch phát nguyên từ Trường Sơn qua thị trấn Khe Tre (khoảng 60 km) đến Bằng Lãng gặp Hữu Trạch cũng phát nguồn từ Trường Sơn chảy qua Bình Điền (khoảng 60 km) và gặp nhau tại ngã ba Tuần. Trước khi đổ ra cửa biển Thuận An, dòng sông đi qua vấp Ngọc Trản, làng Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh (khoảng 33km). Đoạn rộng nhất chỗ cầu Tam Giang (khoảng 600m); đoạn hẹp nhất chỗ đường Văn Thánh (khoảng 120m).

Những địa danh sông Hương chảy qua không chỉ cảnh quan hai bên bờ đẹp và “mướt xanh như mộng” (hơn hẳn hai bên bờ Aswan và Luxor) mà còn có nhiều di tích cổ, chùa, đình, đền, công trình văn hóa, làng nghệ thuật, làng nghề truyền thống, làng nông nghiệp, làng ngư nghiệp…, đủ cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế kiến tạo một tour du lịch trên sông qua đêm bằng thuyền và du thuyền tương tự như Aswan và Luxor, Ai Cập.

Qua đêm bằng thuyền và du thuyền trên sông Hương sẽ khắc phục được thời tiết đỏng đảnh của Huế. Du khách được mát mẻ vào mùa nắng nóng, ấm áp vào mùa đông, khô ráo vào mùa mưa. Thuyền và du thuyền luồn lách đưa du khách đến tận vùng sâu, vùng xa để cùng sống, cùng làm việc, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt, cùng thưởng thức văn hóa với người bản địa. Riêng người dân tại chỗ sẽ có thêm nguồn thu từ dịch vụ hỗ trợ tour và bán được nhiều hàng hóa địa phương. Dự án “Thành phố bốn mùa hoa” làm Huế tăng thêm vẻ mỹ miều, hấp dẫn du khách nhiều hơn nữa. Nhà hát Bến Xuân nằm trên bờ sông Hương như là “cửa sổ” giúp cho du khách trên thuyền và du thuyền ghé thăm để “nhìn vào tâm hồn Huế”.

Đương nhiên, dòng sông Hương ngắn, lòng sông không sâu (như sông Nile), do vậy thuyền và du thuyền của Huế sẽ nhỏ, sức chứa vừa đủ và nguồn cung tương tác với nhu cầu của du khách. Khi nhu cầu của du khách lớn, nếu sông Hương không còn đáp ứng đủ thì Phá Tam Giang sẽ là giải pháp tiếp theo.

Cuối cùng, tổ chức cho du khách qua đêm trên thuyền và du thuyền chỉ là một gợi ý rất nhỏ, một ý tưởng thô sơ, một khởi đầu nông cạn, một hạt mầm non nớt mà tác giả dúi xuống đất rồi lắng lòng dõi theo; chỉ dám mong vậy thôi./.

Tạ Thị Ngọc Thảo

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X