Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

Rạng Đông “chạy đua” cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0

Là một trong số ít thương hiệu lớn còn duy trì được vị thế của mình, tuy nhiên, Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng từng đứng trước nguy cơ phá sản.

Cách đây nửa thế kỷ, trong thời kỳ khôi phục kinh tế Miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy đầu tiên, đặt nền móng cho nền công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Đây cũng là lúc nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được quyết định xây dựng và trở thành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung sản xuất bóng đèn và phích nước.

Biểu tượng văn hóa thời bao cấp

Năm 1958, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được khởi công xây dựng tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đến năm 1963 thì chính thức diễn ra lễ cắt băng khánh thành.

 

Bóng đèn Phích nước Rạng Đông từng là một biểu tượng văn hóa gắn với thời bao cấp.

Không lâu sau đó, nhà máy vô cùng thành công với sản phẩm phích nước Rạng Đông. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học chia sẻ, phích nước Rạng Đông là một biểu tượng văn hóa gắn với thời bao cấp. Vào thời kỳ đó, phích nước Rạng Đông là vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình, ai cũng phải cố để có ít nhất một chiếc. Việc mua bán phích rất khó, thậm chí có nơi, cán bộ công nhân viên còn phải bốc thăm mới có quyền mua chiếc phích này. Phích còn có thể thay ruột khi ruột cũ bị hỏng.

Trước năm 1988 là thời kỳ hoàng kim của Rạng Đông, cùng với Cao su Sao Vàng, Giầy Thượng Đình, Diêm Thống Nhất, Mỳ Miliket… là những thương hiệu lớn của Việt Nam thời điểm đó. Mỗi doanh nghiệp đảm nhiệm một vài trò sản xuất và gần như độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, khác với thời bao cấp “một mình, một sân”, bóng đèn, phích nước Rạng Đông ngày nay cũng chịu nhiều áp lực từ những sản phẩm đến từ châu Âu, Trung Quốc… Trong giai đoạn 1988-1990, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Đặc biệt là hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn đã khiến Rạng Đông gặp khó khăn và mất dần thị phần.

Trong giai đoạn này, công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng. Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của công ty bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

Cùng năm, công ty ghi nhận vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế 16 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng đánh dấu bước chuyển mình của Rạng Đông, với việc vay nợ để cải tiến dây chuyền sản xuất đã cũ. Đến năm 1991, tuy doanh thu mới đạt chưa tới 15 tỷ đồng, công ty đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ với 220 triệu đồng lãi trước thuế.

 

Giai đoạn 1988-1990, công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng.

Và theo báo cáo tài chính năm 2019, Phích nước Rạng Đông ghi nhận doanh thu 4.256 tỷ đồng, tăng 18%; lãi sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước. Công ty vượt 18% kế hoạch doanh thu và thực hiện 79% kế hoạch lãi trước thuế.

Thách thức mang tên Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0

Còn nhớ vào năm 2010, khi bong bóng bất động sản và chứng khoán Việt Nam nổ vỡ, sau nhiều năm dài suy thoái xuống đến đáy, năm 2015 nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi bước đầu, song khó khăn vẫn còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trực tiếp đối với Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nổi lên hai khó khăn lớn nhất. Đó là các sản phẩm chủ lực, truyền thống của Công ty như đèn dây tóc, đèn huỳnh quang và bộ đèn huỳnh quang, đèn CFL bị lấn át bởi dòng sản phẩm LED phát triển như vũ bão thay thế các sản phẩm truyền thống ở cả thị trường Việt Nam và thị trường xuất khẩu. Thậm chí, năm 2015, sản phẩm bóng đèn dây tóc không được bất kỳ thị trường nào đặt hàng.

Song, vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức đó, năm 2015, Rạng Đông vẫn đạt doanh số tiêu thụ 2.998 tỷ đồng, tăng 6,8% so với 2014 và nộp ngân sách đạt 221,6 tỷ đồng, tăng 1,1% so 2014. Từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, năm 2015, Công ty đã mở rộng cơ sở II Quế Võ, Bắc Ninh và dành một diện tích đất lớn tại đây làm cơ sở cho việc tìm kiếm liên kết hợp tác sản xuất với các tập đoàn nước ngoài tham gia chuỗi giá trị hoặc phát triển Công ty trong tương lai. Sự phát triển thần kỳ của Rạng Đông đã khiến PGS.TS Khoa học Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế – Thương mại Quốc tế (Trường Đại học Ngoại Thương) thời điểm đó từng đánh giá “Đây là một hiện tượng!” trong nghiên cứu quản trị doanh nghiệp.

Và hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ khắp thế giới, đây được xem như một cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức rất to lớn đối với doanh nghiệp Việt. Thế giới bước vào công nghiệp 4.0 trong điều kiện ngành công nghiệp 3.0 đã tương đối phát triển và hoàn thiện. Còn đối với Việt Nam, khoảng cách này còn quá xa và Rạng Đông cũng không nằm ngoài những thách thức ấy.

 

Để vượt qua khó khăn, Rạng Đông đã làm được hai việc quan trọng đó là cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ.

Với tiến bộ, phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nguồn sáng LED với những ưu thế của mình đang dần thay thế các sản phẩm truyền thống trong ngành chiếu sáng. Đồng thời, LED cũng đáp ứng được các yêu cầu của chiếu sáng thông minh, theo xu hướng phát triển hướng đến chiếu sáng tiện nghi, tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng vì hạnh phúc con người.

Cũng như các doanh nghiệp trong ngành, bước sang sản xuất đèn LED để có thể làm chủ công nghệ chiếu sáng LED, cạnh tranh, dẫn dắt được thị trường buộc Rạng Đông phải thay đổi hàng loạt hệ thống dây chuyền hiện đại, hệ thống thiết bị kiểm soát chất lượng bài bản, hệ thống phần mềm quản trị hiện đại, mô hình kinh doanh phù hợp với thời kỳ kinh tế số hóa…

Xuất phát từ những đặc điểm trên, Rạng Đông đã có nhưng bước đi tiếp cận sớm. Ngay từ năm 2008, công ty đã có những bộ phận tập trung nghiên cứu đèn LED. Năm 2011, Công ty đã thành lập riêng Trung tâm nghiên cứu và phát triển Chiếu sáng Rạng Đông, chuyên nghiên cứu phát triển nguồn sáng LED, phát triển giải pháp chiếu sáng chuyên dụng và giải pháp chiếu sáng thông minh. Mục tiêu là thu hút các nguồn lực tri thức từ các Viện, các Trường đại học để tập trung nghiên cứu tích hợp lên sản phẩm chiếu sáng chất lượng cao.

Và nói như ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, để vượt qua khó khăn Rạng Đông đã làm được hai việc quan trọng, đó là cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ.

* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X