Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

Ngành bán lẻ, kinh doanh dịch vụ hồi phục thận trọng

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong quý 3 có xu hướng gia tăng từ mức đáy ở tháng 4/2020 nhưng vẫn ở mức thấp.


Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 3 đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với quý trước (qoq), cao hơn so với quý trước (5,8% (qoq)); tăng 4,5% so với cùng kì năm trước.


Dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý 3, hoạt động du lịch tại nhiều thành phố mở cửa trở lại, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động thương mại trong quý. Trong quý 3/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% (qoq) và tăng 8,3%so với cùng kỳ năm ngoái (yoy); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% (qoq) và giảm 7,8% (yoy); doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, tăng 161,3%(qoq) và giảm 59,5% (yoy); doanh thu dịch vụ khác đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% (qoq) và giảm 2,8% (yoy).

Tính chung 9 tháng đầu na m 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).

Theo báo cáo của Vietnam Report mới đây, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực trong dịch COVID-19. Từ một ngành đang phát triển sôi động với sự gia tăng mạnh mẽ cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ trong năm 2019, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19; 50,0% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và chỉ có 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ, sức mua và doanh số sụt giảm, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng là bốn khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.

Ngoài ra nhìn về dài hạn, Vietnam Report cho rằng bán lẻ Việt Nam vẫn luôn được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới.

Thêm nữa, Hiệp định EVFTA (đã có hiệu lực) được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam thuận lợi hơn.

Theo Linh Nga

Diễn đàn Doanh nghiệp

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X