Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

Cuộc đua trên mây của Amazon và Microsoft

Amazon gắn liền với thương mại điện tử và Microsoft nổi danh là ông lớn trong sản xuất phần mềm, nhưng cả hai đều đang nỗ lực kiếm lợi từ điện toán đám mây. Dù xuất phát sau nhưng Microsoft nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với Amazon – doanh nghiệp đang giữ ngôi vương của ngành.

Nhìn vào Microsoft ba năm gần nhất, có thể nhận ra doanh nghiệp này đã cộng thêm 800 tỉ USD vào giá trị vốn hóa, con số gấp 5,5 lần giá trị vốn hóa của Netflix. Bí quyết đứng sau sự tăng trưởng thần kỳ của Microsoft không hề xa lạ. Amazon trong giai đoạn năm 2006 cũng từng thực hiện chiến lược tương tự, và kết quả là giá trị vốn hóa tăng gấp 3,838 lần.

Cái tên Amazon luôn gắn liền với danh xưng sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Nhưng sau 20 năm hoạt động, gã khổng lồ này không còn thu lợi từ những cửa hàng trực tuyến. Trên thực tế, các khoản lợi nhuận không đến từ giao dịch trực tuyến mà là từ những “đám mây”. Chín tháng đầu năm 2019, Amazon ghi nhận lợi nhuận 10,7 tỉ USD, với 62% đến từ ngành điện tử đám mây.

 

Nguồn: Statista. Ảnh: Forbes.com

Trong khi đó, Microsoft vốn được biết tới là công ty sáng tạo nên Windows – hệ điều hành đầu tiên và được ưa chuộng nhất thế giới. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Satya Nadella nhậm chức CEO Microsoft năm 2015. Tân CEO đã chuyển trọng tâm từ Windows sang điện toán đám mây. Kể từ đó, doanh thu từ các dịch vụ đám mây đã nhảy vọt từ 2,8 tỉ USD lên 38,1 tỉ USD.

Ngày nay, đám mây là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Microsoft. Năm 2019, đám mây đã đóng góp gần 1/3 doanh thu công ty. Không còn là công ty của hệ điều hành Windows hay máy chơi game Xbox, Microsoft nay đã trở thành công ty cung cấp dịch vụ và công nghệ điện toán đám mây.

Những đám mây lưu trữ thông tin đang dần trở nên quen thuộc với đời sống hằng ngày: Khi nghe nhạc trên Spotify hay Apple Music, lúc thưởng thức những bộ phim trên Netflix hay Disney+, người dùng đều phải truy cập vào những đám mây chứa dữ liệu. Thậm chí khi mở hộp thư đến hay khi xem hình của bạn bè trên Facebook, ta cũng đang tiếp cận với những đám mây mà không hay biết.

Ngày nay 90% doanh nghiệp đang lưu trữ dữ liệu trên internet, theo 451 Group. Tất cả những công ty này đang đổ ra hàng tỉ đô-la để “lên mây”: Netflix hiện đang tốn 100 triệu USD cho các đám mây để vận hành dịch vụ xem phim trực tuyến mỗi năm. Theo thông tin của IDG, năm 2018, các công ty trung bình bỏ ra 2,2 triệu USD mỗi năm cho các dịch vụ đám mây.

 

Nguồn: Gartner, Goldman Sachs.

Ngành công nghiệp đám mây xoay quanh dữ liệu. Dữ liệu trên internet càng nhiều thì nhu cầu dành cho các đám mây càng lớn. Giá trị của ngành hiện tại đạt 300 tỉ USD và đến năm 2023 sẽ lên tới 614 tỉ USD, theo Marketwatch.

Người dẫn đầu thị trường đám mây hiện tại là Amazon, với 39% thị phần toàn ngành. Tuy nhiên trên thực tế, Microsoft đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách: Năm 2019, Amazon chứng kiến mức tăng trưởng ngành đám mây thấp nhất kể từ năm 2015. Cũng trong tháng 10 năm ngoái, bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định giao hợp đồng đám mây trị giá 10 tỉ USD cho Microsoft, thay vì Amazon.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu ngôi đầu thị trường sẽ đổi chủ trong thời gian tới. Nhưng với những nhà đầu tư, đây là lúc xem xét đa dạng danh mục cổ phiếu của mình bởi tiềm năng lớn của ngành điện toán đám mây chắc chắn sẽ tiếp tục giúp các nhà đầu tư hưởng lợi lớn trong thời gian tới.

* Nguồn: Forbes Vietnam

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X