Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

Cách mạng công nghiệp 4.0: Đảo lộn tất cả

Khái niệm về một cuộc cách mạng công nghiệp nữa – được đưa ra lần đầu năm 2011 ở Hội chợ công nghệ Hanover, Đức – đã trở thành câu chuyện đầy đủ hơn qua cuốn sách của người sáng lập và là giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), giáo sư Klaus Schwab, với tựa đề đúng như thế (The Fourth Industrial Revolution).

 

 

 

 

 

Cách mạng công nghiệp 4.0: Đảo lộn tất cả
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ làm đảo lộn tất cả-inform.tmforum.org

Nó sẽ rất khác so với ba cuộc cách mạng đã làm thay đổi năng lực sản xuất của con người trước đó và được dự báo đảo lộn toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng thêm phức tạp bởi ở nhiều vùng trên thế giới (bao gồm Việt Nam), những cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba và thậm chí là thứ hai còn chưa hoàn tất và các công nghệ mới có thể “nhảy cóc” qua những chuyển biến đó, gây ra sự xáo trộn chưa từng thấy với mọi xã hội.

Như Liên Hiệp Quốc chỉ ra trong báo cáo từ năm 2013, số người trên thế giới có điện thoại di động đã vượt qua số người được tiếp cận với hố xí hợp vệ sinh cơ bản!

Tác động tiềm tàng

Những chuyển biến đảo lộn như các cuộc cách mạng công nghiệp đều sẽ có người thắng – kẻ thua và như Schwab viết trong cuốn sách của ông: “Chưa bao giờ một thời đại mở ra với nhiều hứa hẹn như thế và đồng thời nhiều rủi ro như thế”. Ba mối lo lớn được ông nêu ra ở tầm nhân loại là sự bất bình đẳng, an ninh và nhu cầu giữ gìn bản sắc.

Khoảng 1% những người giàu nhất thế giới hiện sở hữu một nửa tài sản toàn cầu, theo Báo cáo về sự giàu có toàn cầu của Credit Suisse năm 2015.

Oxfam đưa ra một so sánh còn nhức nhối: 62 cá nhân hiện kiểm soát số tài sản nhiều hơn so với 3,6 tỉ người – nửa nghèo hơn của dân số thế giới. Các nghiên cứu của Richard Wilkinson và Kate Pickett trong cuốn sách về bất bình đẳng The Spirit Level (tạm dịch: Tinh thần bình đẳng) chỉ ra rằng những xã hội bất bình đẳng hơn cũng có khuynh hướng bạo lực hơn.

Một yếu tố đóng góp rất mạnh vào sự bất bình đẳng mà chúng ta đã có thể thấy ngay lập tức là các thị trường kỹ thuật số.

Ở phạm vi toàn cầu, những nền tảng kỹ thuật số thống trị, như Facebook hay Google, thường chiếm giữ phần chia quá lớn trong chiếc bánh mà công nghệ mới tạo ra, bằng các sản phẩm và dịch vụ ngôi sao của họ.

Ở phạm vi địa phương, ảnh hưởng, quyền lực và khả năng tạo lợi nhuận của những nền tảng này làm đảo lộn các cách làm cũ, chính phủ thất thu thuế, việc tạo ra một sân chơi thật sự bình đẳng khó khăn hơn (cho những ai được và không được tiếp cận công nghệ) và sự phụ thuộc vào các nền tảng số ngày càng lớn.

Tất cả điều đó được dự báo làm tăng tỉ lệ thất nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mọi cuộc cách mạng công nghiệp đều tạo ra những việc làm mới và tiêu diệt những công việc cũ không còn hợp thời, nhưng đang có bằng chứng cho thấy cuộc cách mạng chúng ta sắp trải qua tạo ra ít việc làm hơn so với những gì nó hủy hoại, tương ứng với các cuộc cách mạng công nghiệp khác trong quá khứ.

Tính toán của Carl Benedict Frey thuộc Chương trình Oxford Martin về công nghệ và việc làm cho thấy chỉ 0,5% lực lượng lao động Mỹ ngày nay làm ở những ngành không tồn tại trong thế kỷ trước, thấp hơn nhiều so với 8,2% việc làm trong những ngành mới vào những năm 1980 và 4,4% vào những năm 1990, tức rõ ràng tỉ lệ việc làm mới đang giảm dần và giảm nhanh.

Sự chuyển dịch việc làm còn được dự báo làm gia tăng bất bình đẳng giới. Trong quá khứ, các công việc làm mất đi do cách mạng công nghiệp tập trung ở những ngành tuyển dụng nhiều nam giới, như chế tạo và xây dựng.

Còn ngày nay, các nghề bị đe dọa nhất là trung tâm phục vụ khách hàng (gọi điện và nhận cuộc gọi), bán lẻ, hành chính…, những nghề tuyển dụng nhiều lao động nữ.

Gia tăng bất bình đẳng cũng sẽ gây ra quan ngại về an ninh cho cả người dân lẫn nhà nước. Báo cáo rủi ro toàn cầu 2016 của WEF cho thấy một thế giới siêu kết nối cũng có thể trở nên phân mảng hơn, chia rẽ hơn và nhiều bất ổn hơn.

Không gian chiến lược của xung đột cũng đã thay đổi. Thế giới kỹ thuật số tạo ra những chiến trường mới mà các nhà nước kiểu cũ chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả.

“Trong khi bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào cũng sẽ còn nhiều yếu tố liên quan tới thế giới thực – Schwab viết – Khả năng cao là sẽ luôn có một mặt trận kỹ thuật số vì không ai cưỡng lại được sự quyến rũ của việc tấn công, làm gián đoạn và hủy hoại nền tảng công nghệ của đối phương, như một cách nhanh nhất để chiến thắng”.

Công nghệ của cuộc cách mạng mới cũng tạo ra những năng lực chiến tranh mới, không chỉ cho các nhân tố nhà nước mà cả phi nhà nước, bao gồm máy bay không người lái, vũ khí robot, vật liệu nano, vũ khí hóa – sinh học và cả những loại vũ khí thần kinh tác động trực tiếp lên não bộ con người.

“Câu hỏi không phải là các nhân tố phi nhà nước có đủ năng lực để tham gia các kiểu chiến tranh như thế không, mà chỉ là khi nào và ai – James Giordano của Trung tâm y khoa Đại học Georgetown (Mỹ), bình luận – Bộ não con người sẽ là chiến trường tiếp theo”.

Khi công nghệ có thể can thiệp sâu như thế – Ray Kurtzweil, nhà tương lai học của Google, thậm chí tiên đoán rằng chỉ năm 2030 thôi, tất cả chúng ta sẽ trở thành “cyborg”, những thực thể nửa người nửa máy, bởi lúc đó công nghệ nano đã đủ tiến bộ để kết nối não bộ với toàn bộ Internet – thì vấn đề bản sắc của mỗi dân tộc và cả từng cá nhân, tức khái niệm “con người”, cũng sẽ bắt đầu bị đặt dấu hỏi.

Cuộc cách mạng đó sẽ không chỉ thay đổi những gì chúng ta làm, mà cả việc chúng ta là ai: cảm nhận của chúng ta về sự riêng tư, về quyền sở hữu và tư hữu, về các hình mẫu tiêu dùng, về thời gian phân bổ công việc – nghỉ ngơi, về sự nghiệp, các kỹ năng, cách chúng ta gặp gỡ mọi người, nuôi dưỡng các mối quan hệ và vô tận những điều khác đã định nghĩa nên cái tôi của chúng ta nữa.

Vẫn đủ để lạc quan?

Điều quan trọng nhất trong cơn lốc sáng tạo này là chúng ta muốn bảo tồn những điều gì, đó là câu hỏi then chốt” – nhà khoa học và triết gia người Chile Humberto Maturana nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.

Những gì Maturana nói thật ra đã được các nhà khoa học triển khai rồi. Một ví dụ rõ ràng của nguyên tắc “giữ lại những gì” là việc thiết kế và quản trị các thuật toán, nguyên liệu cơ bản cho cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Năm 2013, Đại học Y Bệnh viện St. George’s ở Anh đã sử dụng mô hình máy tính để lọc đơn xin nhập học của sinh viên.

Thuật toán dựa trên cơ sở các hình mẫu tuyển sinh trước đó tỏ ra phân biệt giới tính và chủng tộc có hệ thống: nó từ chối những ứng viên là nữ hoặc có tên không nghe giống người châu Âu!

Thuật toán này chỉ phản ánh những hình mẫu tuyển sinh đã tồn tại trước đó và không được cấy ghép những hành vi mà con người coi là sai trái. Như thế, sự loại trừ, thiên vị và bất bình đẳng không còn là những danh từ trừu tượng nữa, mà là những “con bọ” (bug) hay lỗi cần phải sửa trong hệ thống trí tuệ nhân tạo mới, vốn đã có thể nhận ra và làm những chuyện tưởng chừng chỉ thuộc về con người trước kia.

“Thực tế đảo lộn đang diễn ra… không có nghĩa là chúng ta bất lực khi đối mặt với nó – Schwab viết – Chúng ta phải thiết lập một bộ giá trị chung nền tảng lèo lái những lựa chọn chính sách… để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơ hội cho tất cả”.

Michelle Arevalo Carpenter, CEO và đồng sáng lập phòng thí nghiệm sáng tạo Impaqto, tin rằng các giá trị chung đó sẽ là nhân quyền – một giá trị phổ quát và nhân bản – các doanh nghiệp và nhà nước cần tư duy lại về thành công, lợi nhuận và quyền lực.

Giống như các cuộc cách mạng trước đó, cách mạng công nghiệp 4.0 có triển vọng nâng mức thu nhập và chất lượng sống toàn cầu lên một bước nữa.

Gọi một chiếc taxi, đặt một chuyến bay, mua một sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim, chơi trò chơi điện tử chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ.

Đó là về phía người tiêu dùng. Còn về phía cung, công nghệ mới cũng đang tạo ra những điều kỳ diệu về hiệu suất và năng suất khi chi phí vận tải và thông tin liên lạc giảm xuống, các chuỗi cung ứng và hậu cần toàn cầu có lẽ chưa bao giờ hiệu quả như hiện nay và những thị trường chưa bao giờ dễ tiếp cận như thế.

Một khuynh hướng then chốt khác với các nền tảng sản xuất – kinh doanh dựa trên công nghệ là sự kết hợp cả hai phía cung và cầu làm một khiến những cấu trúc truyền thống đảo lộn, bao gồm nền kinh tế chia sẻ và “theo yêu cầu” còn non trẻ nhưng đang phát triển với tốc độ chóng mặt.■

Martin Nowak, giáo sư toán và sinh vật ở Đại học Harvard (Mỹ), nói hợp tác là “đặc điểm tự nhiên lớn nhất của con người” và trước cuộc cách mạng mới, chúng ta phải có trách nhiệm tập thể về những gì đang diễn ra, nâng cao nhận thức và cấu trúc lại những hệ thống kinh tế – xã hội và chính trị của chúng ta để đón nhận cuộc cách mạng đó tốt nhất.

Nguồn: Tuoitrecuoituan

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X